8 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng
Dưới đây là 8 quan điểm sai lầm nghiêm trọng và phổ biến nhất về dinh dưỡng mà các chuyên gia muốn đính chính.
Phóng viên Tạp chí New York Times đã hỏi 10 chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu ở Mỹ một câu hỏi đơn giản: Lầm tưởng về dinh dưỡng mà họ mong muốn biến mất là gì? Tại sao? Dưới đây là những quan điểm sai lầm nghiêm trọng và phổ biến nhất về dinh dưỡng mà các chuyên gia muốn đính chính.
Mục lục
- 1 1. Bỏ bữa giúp giảm cân
- 2 2. Trái cây và rau quả tươi luôn tốt hơn các loại đóng hộp, đông lạnh hoặc khô
- 3 3. Tất cả chất béo đều xấu
- 4 4. Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không nên ăn trái cây
- 5 5. Sữa thực vật tốt cho sức khỏe hơn sữa bò
- 6 6. Không nên cho trẻ ăn các sản phẩm từ lạc trong vài năm đầu đời
- 7 7. Ăn thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú
- 8 8. Bữa tối nhiều calo sẽ gây tăng cân
1. Bỏ bữa giúp giảm cân
Nhịn ăn hoặc chỉ tiêu thụ chất lỏng không giúp cơ thể loại bỏ chất béo dư thừa hoặc độc tố. Trên thực tế, bỏ bữa (thường là bữa sáng) không có nghĩa là giảm cân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người bỏ bữa sáng và ăn ít bữa trong ngày có xu hướng nặng cân hơn những người ăn sáng lành mạnh và ăn đủ bữa một ngày. Điều này là do bỏ bữa khiến bạn cảm thấy đói hơn và khiến bạn ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo và ít chú ý đến dấu hiệu no của mình hơn. Cách tốt nhất là nên ăn uống đầy đủ, đúng giờ và cân đối với các loại trái cây và rau quả phù hợp nhất với nhu cầu và yêu cầu của cơ thể.
2. Trái cây và rau quả tươi luôn tốt hơn các loại đóng hộp, đông lạnh hoặc khô
Bất chấp niềm tin lâu dài rằng “tươi là tốt nhất”, các nghiên cứu đã phát hiện ra trái cây và rau quả đông lạnh, đóng hộp và sấy khô có thể bổ dưỡng như các loại trái cây tươi. Tuy nhiên, một số loại đóng hộp, đông lạnh và khô có chứa các thành phần “lén lút” như đường bổ sung, chất béo bão hòa và natri. Vì vậy, hãy nhớ đọc nhãn dinh dưỡng và chọn những sản phẩm giữ các thành phần đó ở mức tối thiểu.
3. Tất cả chất béo đều xấu
Trong khi một số loại chất béo, bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch hoặc đột quỵ, thì chất béo lành mạnh – như chất béo không bão hòa đơn (có trong ô liu và các loại dầu thực vật khác, bơ và một số loại hạt) và chất béo không bão hòa đa (có trong dầu hướng dương và các loại dầu thực vật khác, quả óc chó, cá và hạt lanh) – thực sự giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của bạn. Chất béo tốt cũng rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, sản xuất các hormone, hỗ trợ chức năng tế bào và hỗ trợ hấp thu một số chất dinh dưỡng. Nếu bạn nhìn thấy một sản phẩm có nhãn “không chứa chất béo”, đừng tự động cho rằng nó tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy ưu tiên những sản phẩm có thành phần đơn giản và không thêm đường.
4. Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không nên ăn trái cây
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người tiêu thụ một khẩu phần trái cây mỗi ngày – đặc biệt là quả việt quất, nho và táo – có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn. Và nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường type 2, ăn trái cây có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy, tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ các chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe trong trái cây như chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
5. Sữa thực vật tốt cho sức khỏe hơn sữa bò
Có quan niệm cho rằng sữa làm từ thực vật như yến mạch, hạnh nhân… có nhiều dinh dưỡng hơn sữa bò. Kathleen Merrigan, Giáo sư về hệ thống thực phẩm bền vững tại Đại học Bang Arizona, cho biết: “Điều đó không đúng. Thông thường, sữa bò có khoảng 8 gam protein mỗi cốc, trong khi sữa hạnh nhân thường có khoảng 1 hoặc 2gram mỗi cốc và sữa yến mạch thường có khoảng 2 hoặc 3 gram mỗi cốc. Mặc dù dinh dưỡng của đồ uống có nguồn gốc thực vật có thể khác nhau, nhưng nhiều loại có nhiều thành phần bổ sung hơn – như muối và đường, có thể góp phần gây hại cho sức khỏe”.
6. Không nên cho trẻ ăn các sản phẩm từ lạc trong vài năm đầu đời
Trong nhiều năm qua, các bậc cha mẹ luôn tin rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa con họ bị dị ứng thực phẩm là tránh cho chúng ăn thức ăn gây dị ứng thông thường, như đậu phộng hoặc trứng, trong những năm đầu đời. Nhưng hiện nay, các chuyên gia về dị ứng cho biết, tốt hơn hết là bạn nên cho trẻ sớm sử dụng các sản phẩm đậu phộng. Nếu con bạn không bị chàm nặng hoặc dị ứng thực phẩm, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn các sản phẩm đậu phộng vào khoảng 4 đến 6 tháng tuổi. Tiến sĩ Ruchi Gupta, Giáo sư Nhi khoa và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng thực phẩm và Hen suyễn cho biết: “Điều quan trọng là phải cho bé ăn một chế độ ăn đa dạng trong năm đầu đời để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm”.
7. Ăn thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú
Liều cao estrogen thực vật trong đậu nành gọi là isoflavone đã được chứng minh là có tác dụng kích thích sự phát triển tế bào khối u vú trong các nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, cho đến nay, khoa học không chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đậu nành và nguy cơ ung thư vú ở người. Thay vào đó, đậu nành là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có lợi như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất chất lượng cao liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
8. Bữa tối nhiều calo sẽ gây tăng cân
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cơ thể bạn không xử lý thức ăn khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Điều quan trọng là tổng lượng calo nạp vào so với lượng calo đốt cháy. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh vào ban đêm sẽ làm tăng lượng calo mà bạn không hề nhận ra. Nếu muốn ăn nhẹ, hãy thử các lựa chọn lành mạnh hơn như trái cây tươi, trái cây sấy khô không đường, sữa chua ít béo và sữa.